Mù Cang Chải không hỉ đẹp vào dịp tháng 8 tháng 9 hàng năm bởi những sắc màu của những thảm lúa đến nào lòng du khách mà du khách có thể đến đây quanh năm để trải nghiệm sự thay đổi của thiên nhiên, của cuộc sống thường ngày khi Mù Cang Chải đến mùa làm đất, mùa đổ nước và tìm hiểu văn hóa đời sống của người Thái nơi đây. Vậy tại sao bạn không lên kế hoạch cho một chuyến du lịch Mù Cang Chải ngay hôm nay. Tuy nhiên để có một chuyến du lịch Cang Chải đáng nhớ và an toàn thì hãy bỏ túi một vài kinh nghiệm dưới đây nhé.

 

Tổng quan về Mù Cang Chải.

 

Mù Cang Chải là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái phía Bắc giáp huyện Văn Bản của tỉnh Lào Cai, phía Nam giáp huyện Mường La của tỉnh Sơn La, phía Tây giáp huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, phía Đông giáp huyện Văn Chấn cùng tỉnh. Huyện nằm dưới chân của dãy núi Hoàng Liên Sơn, ở độ cao 1.000m so với mặt biển. Muốn đến được huyện Mù Cang Chải phải đi qua đèo Khau Phạ- là một trong tứ đại đèo của Tây Bắc. Mù Cang Chải nằm cách Hà Nội khoảng 280km, mỗi mùa lúa chín nơi đây đón tiếp hàng nghìn khách từ khắp các miền tổ quốc về thăm.

 

Nên đi du lịch Mù Cang Chải vào thời điểm nào trong năm?

 

Khoảng giữa tháng 9 đến tháng 10 là mùa lúa chín, lúc này toàn bộ Mù Cang Chải sẽ được bao phủ bởi màu vàng rực rỡ của lúa, thời tiết đẹp, thuận lợi để đến thăm nơi đây.

 

 

Khoảng tháng 5 tháng 6 là mùa nước đổ, khi những cơn mưa mùa hè bắt đầu trút xuống thì nước được dẫn từ trên núi vào các ruộng bậc thang. Nước tràn vào các thửa ruộng làm cho đất khô cằn mềm hơn và nở ra để bà con có thể cấy lúa. Đây cũng là thời điểm người dân nơi đây chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Chính vì thế, ở các ruộng bậc thang miền núi phía Bắc, lúa chỉ có thể trồng được một vụ. Những bậc thang loang loáng nước trong nắng chiều tạo nên một vẻ đẹp khiến cho bao du khách ngây ngất.

 

Đi Mù Cang Chải như thế nào?

 

Bạn có thể tới  Mù Cang Chải bằng ô tô hoặc xe máy. Nếu đi từ Hà Nội, thông thường bạn sẽ mất khoảng 8 đến 9 tiếng.

 

Di chuyển bằng xe máy:

 

Từ trung tâm hà Nội chạy thẳng quốc lộ 32 qua cầu Trung Hà ( Ba Vì), qua huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) rồi qua thị trấn Nghĩa Lộ, xã Tú Lệ (huyện Văn Chấn) cảu Yên Bái đến Dế Xu Phình đi qua đèo Khau Phạ là tới Mù Cang Chải với 8 tiếng chạy xe.

 

Lưu ý khi đi xe máy:

 

Với địa hình núi cao và đèo dốc hiểm trở như Khau Phạ, đèo Ách, bạn cần hạn chế tốc độ khi di chuyển.

Không nên đi buổi đêm vì tầm nhìn hạn chế cũng như vấn đề về an ninh, hỏng xe…tại những nơi hẻo lánh.

 

Cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và các trang thiết bị cho xe. Chú ý tốc độ trên cung đường quốc lộ 32 từ hà Nội đến Ba Vì, đoạn qua địa phận tỉnh Phú Thọ sẽ có rất nhiều điểm kiểm tra.

 

Di chuyển bằng xe khách.

 

Đa số các nhà xe chạy tuyến Hà Nội (xuất phát tại bến xe Mỹ Đình và Giáp Bát)- Lai Châu đều đi qua địa phận Mù Cang Chải nên các bạn có khá nhiều sự lựa chọn. Nếu đi ô tô thì bạn có thể lựa chọn phương án thuê xe máy để lang thang quanh khu vực thị trấn Mù Cang Chải và một số xã lân cận để chụp ảnh và ngắm lúa.

 

Di chuyển tại Mù Cang Chải

 

Để di chuyển tại Mù Cang Chải thì tốt nhất là nên thuê xe máy, vừa tiết kiệm lại vừa có thể ngắm cảnh cũng như chụp chụp lại những cảnh đẹp của thị trấn. Một số khách sạn nhà nghỉ tại Mù Cang Chải có sẵn xe máy cho các bạn thuê nên trước khi đặt phòng các bạn có thể hỏi trước vấn đề này để chuẩn bị.

 

Khách sạn, nhà nghỉ tại Mù Cang Chải.

 

Nếu đến Mù Cang Chải vào thời gian cao điểm thì gần như rất khó để có thể đặt phòng bởi số lượng khách sạn, nhà nghỉ ở Mù Cang Chải không nhiều, nếu bạn chỉ định ở Mù Cang Chải 1 ngày thì bạn có thể lựa chọn ngủ ở những khu vực lân cận như: xã Tú Lệ, thị xã Nghĩa Lộ…

 

Để chụp được những bức ảnh đẹp về cánh đồng Tú Lệ, các bạn nên có mặt tại đỉnh đèo Khau Phạ vào khoảng thời gian từ 7h đến 9h (sau thời điểm này trời vẫn có thể có nắng nhưng sẽ mù, không được quang). Muốn thực hiện điều này các bạn nên ngủ tại Tú Lệ hoặc đi thêm 7km nữa lên đèo Khau Phạm, trên đây có một hệ thống nhà háng- nhà nghỉ với khoảng 20 phòng phục vụ du khách, từ đây chỉ mất khoảng 15 phút nữa là lên tới đỉnh đèo.

 

Địa điểm du lịch ở Mù Cang Chải.

 

Đèo Khau Phạ: Đèo Khau Phạ được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam. Đèo có độ dài khoảng 30km và cao từ 1200 – 1500m so với mực nước biển. Đi qua đèo, bạn sẽ cảm nhận được sự hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc với những con đường quanh co, một bên là dốc núi thẳng đứng, một bên là những thửa ruộng bậc thang đều tăm tắp, lấp ló đâu đó là dáng dấp bé nhỏ của những người dân tộc đang mải mê làm công việc đồng áng thường nhật cảu mình.

 

 

Tú Lệ: Tú Lệ là vùng trồng lúa nếp nổi tiếng ở Mù Cang Chải, vì vậy mà đặt chân vào Tú Lệ một cái lf bạn sẽ được hít hà đến no căng ngực mùi thơm quyến rũ của những ruộng lúa nếp trĩu hạt trải dài đến tận chân trời.

 

Ngoài lúa nếp, Tú Lệ còn có đặc sản khác cũng nức tiếng không kém, đó là dòng suối nước nóng nằm ngay giữa trung tâm xã, ở bản Chao. Người dân tộc ở đây có tục lệ tắm tiên ở dòng suối nước nóng nên bạn có ghé qua Tú Lệ mà thấy cảnh này thì chắc hẳn sẽ thấy nao lòng.

 

 

Bản Lìm Mông: Đi trên đèo Khau Phạ, chắc hẳn bạn sẽ thấy vô cùng lạ lẫm với những ngôi nhà nhỏ nằm cheo leo trên vách núi, tưởng chừng như chúng từ trên trời rơi xuống bởi không thể tưởng tượng nổi có con đường nào để leo lên được chừng ấy, đó chính là bản Lìm Mông.

 

Bản Lìm Mông là nơi sinh sống của người Mông. Không giống như người Thái thường xây nhà ở dưới thấp, bên ven suối thì người Mông lại có tập tục xây nhà trên cao, càng đông dân thì họ càng xây nhà lên cao dần, những con đường tự mở bé tí xíu cũng từ đó mà hình thành nên nhìn từ xa, bạn không thể nào nhìn thấy chúng.

 

Điểm chụp ảnh ruộng lúa mâm xôi Cầu Ba Nhà: Gọi là lúa mâm xôi vì thửa ruộng có hình rất giống một mâm xôi đầy ắp, mỗi khi nắng vàng hoàng hôn chiếu xuống, ruộng lúa mâm xôi mang đến cho du khách những tấm ảnh đẹp hút hồn đến mức quên cả chặng đường gian nan để leo lên tới đó.

 

 

Chế Cu Nha: Đến Chế Cu Nha, từ xa xa bạn đã có thể nghe thấy những âm thanh lách cách trong veo, đó chính là âm thanh từ những khung cửi dệt vải của những cô gái người Mông khéo léo và duyên dáng.

 

Người Mông ở đây còn giữ nguyên tập tục trồng lanh, dệt vải. Thứ đồ đệp đẽ này cũng là một phần không thể thiếu trong đám cưới của người Mông, nơi vẻ đẹp được đánh giá qua độ tinh tế của những trang phục do mình tự dệt để làm ra của hồi môn.

 

 

Thác mơ: Thác Mơ thuộc xã Mồ Dề, Mù Cang Chải. Thác không hùng vĩ và cao như thác Pú Nhu, nhưng so về độ đẹp và mát, trong lành thì không hề kém cạnh.

 

Thác Mơ không “hiền lành” chảy thành một dòng như thác Pú Nhu mà chảy uốn lượn theo hình xoắc ốc, hai bên được tô điểm thêm sắc màu của những cánh hoa rừng khiến bất cứ ai nhìn thấy đều mê mẩn trước cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ này.

 

Bản Thái: Bản Thái là một ngôi làng nhỏ nằm yên bình giữa thung lũng, xung quanh là những thửa ruộng bậc thang tươi tốt và những con suối trong vắt róc rách chảy đêm ngày. Đến bản Thái, bạn không chỉ được thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái mà còn được trải nghiệm tắm nước lá thuốc theo cách cổ truyền của họ.

 

Đèo Lũng Lô: Con đèo Lũng Lô dài hơn 15km nhưng chứa đầy thử thách gian nan, là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ ưa thử thách và mạo hiểm. Đường đèo là đường nhựa nhưng dần bị soi lở, tạo nên nhiều ổ gà và những đoạn đường gập ghềnh rất nguy hiểm. Gian nan là thế, nhưng qua khỏi đèo Lũng Lô, bạn sẽ đến với những thung lũng xanh mướt mắt, nơi có những đàn bò, đàn dê tha thẩn gặm cỏ, bên trên là bầu trời trong xanh với những đám mây lững thững trôi nhè nhẹ tựa trong những câu chuyện cổ tích.

 

Điểm ngắm bản Cao Phạ: Điểm này nằm trên quốc lộ 32, thực chất là một căn chòi được một gia đình người Mông san đất rồi dựng lên trên đèo Khau Phạ. Từ điểm này, bạn có thể nhìn thấy toàn cảnh bản Cao Phạ và những thửa ruộng bậc thang vàng lấp lánh từ độ cao hơn 1200m so với mực nước biển.

 

Bản Thái: Qua chiếc cầu ở ngay trung tâm huyện ( hướng đi Chế Tạo) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái. Một ngôi làng nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi.

 

Tới đây, bạn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản cảu người Thái, tắm nước lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức các buổi giao lưu, đốt lửa trại.

 

Các món ăn đặc sản Mù Cang Chải.

 

Nhộng ong rừng

 

Món nhộng ong xào mùng thơm ngon, bắt mắt phải không quá nát, phải giữ được hình thù của nhộng ong, còn mùng phải có màu xanh nhạt, có vị thơm béo ngậy của ong mùi thơm của gia vị, của lá chanh.

 

Nhộng ong xào mùng không phải mùa nào cũng có, nó chỉ được chế biến vào mùa ong rừng làm tổ và sinh sản ( khoảng từ tháng 4 đến tháng 8). Vì vậy với người dân nơi đây, món ăn này còn được xem là đặc sản quý hiếm cảu núi rừng.

 

Cốm Tú Lệ

 

Xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) từ lâu đã nổi tiếng với một loại nếp có hạt gạo to tròn, trắng trong. Thứ nếp này khi được đồ thành xôi thì có vị dẻo thơm đặc biệt, còn khi chế biến thành cốm thì lại có thêm hương vị ngọt ngào, thanh mát.

 

Mật ong

 

Mật ong Mù Cang Chải là một trong những đặc sản của Yên Bái. Từ lâu nó đã được người tiêu dùng gần xa ưa chuộng vì chất lượng mật tốt, màu vàng óng, sánh đặc, có tác dụng bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh tốt.

 

Xôi ngũ sắc

 

 

Xôi ngũ sắc là món ăn phổ biến trong các dịp lễ tết của đồng bào Tây Bắc, đặc biệt với người Thái tại Yên Bái. Tùy theo nhu cầu mà người chế biến có thể sử dụng nhiều hoặc ít màu đi.

 

Các màu phổ thông của món xôi bao gồm trắng, đen, tím, vàng. Sự tài tình của của người dân tộc là biết sử dụng các nguyên liệu tự nhiên để nhuộm màu cho xôi. Với màu trắng, người ta chỉ đơn giản dùng gạo nếp đồ lên. Màu xanh, đỏ được làm từ cây cơm xôi xanh, cơm xôi đỏ. Với loại màu đen hay tím người ta dùng lá cây gùn để ngâm gạo, tùy vào mức độ pha mà ra được màu sắc.

 

Bánh chưng đen

 

 

Bánh chưng đen là món ăn độc đáo của người Thái Mường Lò tỉnh Yên Bái. Thông thường bánh chưng chỉ được làm trong dịp tết như người Kinh, nhưng nếu may mắn, bạn vẫn thấy món này trong các phiên chợ vùng cao. Điều đặc biệt của bánh chưng đen là hình dáng của bánh và màu sắc. Người Thái gói bánh trưng hình trụ, hoặc gấp lá như bánh tẻ ở dưới xuôi.

 

Thịt trâu, thịt lợn gác bếp

 

Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen. Món ăn này thường được làm từ thịt bắp của trâu thả rông trên các vùng núi, đồi. khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá.

 

 

Mùi khói trong thịt trâu khiến ai nhạy cảm đều rất khó chịu, tuy nhiên để át đi mùi khói và tăng thêm hương vị của món thịt, phải nhờ vào kỹ thuật tẩm ướp trước khi gác bếp. Người làm dùng cách tẩm ướp thịt với các loại gia vị khác như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén- một loại hạt tiêu rừng của người dân tộc thiểu số vùng cao Tây Bắc.

 

Măng sặt

 

Sau những cơn mưa cuối xuân, rừng sặt (cây thuộc loại tre, thân nhỏ rất thẳng) Nghĩa Lộ, Yên Bái trở nên tươi tắn và đông loạt bật dậy tua tủa. Măng sặt Nghĩa Lộ đã vào mùa.

 

Măng sặt thon nhỏ, to cỡ chuôi liềm, trắng nõn, mềm vàng. Vào dúng mùa măng non rất dễ bóc, vị ngọt, không có vị he, luộc lên thơm phức mùi của núi rừng. Ngoài món nấu xườn, luộc, món ăn này còn có thể dùng để xào với cà chua, thêm ít gia vị tỏi cũng ngốn vài bát cơm của khách.

 

Bánh chuối Lục Yên

 

Từ lâu chuối đã trở thành cây gần gũi , gắn bó với người dân Lục Yên, bởi những hữu ích từ cây chuối đem lại. Hiều và đánh giá đúng vị trí của chuối trong đời sống của mình mà người Tày đã sáng kiến tái hiện sự thanh tao, hấp dẫn của hương vị chuối bằng cách chế biến thành một sản vật ngon, đó chính là bánh chuối. Bánh chuối chứa đựng giá trị tinh thần được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ sau và được dùng làm đồ cúng tế trong những dịp gia đình, dòng họ có việc trọng đại.

 

Điều hấp dẫn ở bánh chuối là ngoài nhân có đỗ, lạc, đường còn lại các phụ gia đều là chuối. Lá gói bánh cũng từ lá chuối trong vườn, dây gói bánh cũng là dây chuối. Chẳng thế mà bánh chuối rất dễ thưởng thức, vừa ngon vừa lạ, hấp dẫn khách gần xa.